Cá chim vây vàng có chất lượng thịt thơm ngon, giá thành và đàu ra ổn định, vì vậy được rất nhiều người dân ưa chuộng để làm đối tượng nuôi.
Chọn vị trí đặt lồng
Trong nuôi cá lồng, do chất lượng nước không thể kiểm soát được mà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì thế chọn lựa vị trí thích hợp sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của nghề nuôi. Một vị trí tốt cho việc đặt lồng nuôi cá biển là cần thiết có:
- Lựa chọn địa điểm nuôi có nguồn nước tốt; không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt; tránh chọn những nơi có ô nhiễm dầu.
- Độ sâu vùng nước nuôi từ 6 m trở lên, phải đảm bảo đáy lồng cách đáy biển ít nhất 2 – 3 m.
- Eo, vịnh ít sóng to gió lớn (tránh nơi sóng >2 m) và tốc độ dòng chảy vừa phải (từ 0,2 – 0,7 m/giây), tránh nơi có dòng chảy quá yếu hay nước đứng (tốc độ dòng chảy < 0,2 m/giây).
- Môi trường nơi đặt lồng nuôi phải đảm bảo các thông số sau:
+ Hàm lượng ôxy hoà tan từ 4 – 6 mg/l.
+ pH: 7,5 – 8,5
+ Nhiệt độ: 25 – 30oC.
+ Độ mặn: 15 – 32%.
+ Độ trong: 0,5 – 4 m.
- Giao thông thuận tiện cho vận chuyển cá giống, thức ăn, và các nguyên nhiên vật liệu khác.
Thiết kế và xây dựng lồng nuôi
- Mỗi bè nuôi thường được liên kết bởi 6 – 12 ô lồng.
- Mỗi ô lồng có kích cỡ 5x5 m hoặc 3x3 m, được thiết kế bằng gỗ chịu nước kích cỡ 8x20 cm và dài 7 – 18 m và được liên kết chặt chẽ với nhau bởi bulông sắt (Φ 14 ÷ 16 dài 20 cm).
- Phao nổi được làm bằng phuy nhựa (loại 200 lít) để nâng bè. Có từ 3 – 4 phuy/ô lồng, đối với bè có nhà canh gác và kho chứa đồ thì số lượng phuy cần nhiều hơn tuỳ thuộc vào tổng khối lượng nguyên vật liệu chứa trên đó.
- Bè được cố định bằng neo ở 4 góc để tránh bị nước cuốn trôi. Số lượng neo và độ dài của dây neo còn tuỳ thuộc vào quy mô của bè.
- Lưới lồng nuôi cá tốt nhất là làm bằng sợi PE không rút, Kích thước mắt lưới thay đổi tuỳ vào kích cỡ cá nuôi.
Cỡ cá nuôi (cm) |
Mắt lưới 2a (cm) |
1 - 2 |
0.5 |
5 -10 |
1 |
10 - 15 |
1.5 |
15 - 20 |
2.0 |
20 - 30 |
3.0 |
>30 |
5.0 |
Chọn và thả giống
Chọn giống
- Cá giống phải có nguồn gốc rõ ràng, được mua ở cơ sở có uy tín và được chứng nhận không có bệnh nguy hiểm như VNN, Iridovirus,…
- Cá giống có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, thân hình cân đối, vây vẩy nguyên vẹn, không xây xát, không có dấu hiệu bệnh lý.
- Cá đi theo đàn, phản xạ nhanh nhẹn, linh hoạt.
- Kích cỡ cá thả phù hợp có chiều dài 6 – 8 cm.
Xử lý cá trước khi thả
- Nếu vận chuyển cá giống bằng túi PE có bơm oxy: ngâm cả túi trong lồng từ 5 – 10 phút để cân bằng nhiệt độ. Nếu độ mặn của túi và của lồng chênh lệch trên 5‰ phải đổ thêm 25 – 30% lượng nước vào túi để cân bằng độ mặn.
- Nếu vận chuyển hở bằng xe bảo ôn: trước khi thả cá xuống lồng phải thay nước từ từ trong thùng vận chuyển để cân bằng nhiệt độ và độ mặn.
Thả giống
- Mùa vụ thả giống: tháng 4 hàng năm.
- Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Cá thả chung 1 lồng có chiều dài chênh nhau không quá 2 cm.
- Mật độ thả:
+ Kích cỡ cá 6 – 8 cm, mật độ thả nuôi: 20 – 25 con/m3.
+ Kích cỡ cá 10 – 12 cm, mật độ thả nuôi: 15 – 20 con/m3.
Chăm sóc và quản lý
Cho cá ăn
- Thức ăn cho cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp, có hàm lượng đạm từ 40 – 45%, chất béo từ 10 – 15%. Tùy theo kích cỡ cá nuôi mà lựa chọn cỡ thức ăn và khối lượng thức ăn cho cá thích hợp.
Trọng lượng cá (gam) |
Kích cỡ thức ăn (mm) |
0.5 - 1.0 |
0.5 - 1.5 |
1 - 30 |
1 - 2 |
30 - 120 |
2 |
120 - 150 |
3 |
>250 |
4 |
- Khẩu phần ăn cho cá được tính cho từng giai đoạn nuôi như sau:
Trọng lượng cá (gam) |
Khẩu phần thức ăn so với trọng lượng cá (%) |
<100 |
5 - 6 |
100 - 500 |
2 - 3 |
- Ngày cho ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát.
- Trước khi cho ăn gõ nhẹ vào khung lồng để tạo phản xạ bắt mồi cho cá. Rải thức ăn từ từ và đều khắp diện tích mặt lồng nuôi.
Quản lý lồng nuôi
- Trên miệng các lồng nuôi nên căng lưới che kín để cá không vượt ra ngoài.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng hoạt động và mức độ bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
- Kiểm tra lưới bằng cách lặn xung quanh lồng nuôi, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những sự cố do địch hại (cá nóc, cá kiếm) hoặc các tác động khác làm rách lưới và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Vệ sinh vật bám (2 tuần/lần) đối với lưới lồng, dây lồng, phao và dây neo.
- Định kỳ thay lồng lưới 3 – 4 tuần/lần tuỳ thuộc vào vùng nuôi, mùa vụ có sự xuất hiện nhiều hay ít vật bám.
- Gia cố, bảo dưỡng hệ thống dây neo, phao, túi lưới… trước và sau khi có hiện tượng bất thường về thời tiết, như gió bão, nước ngọt đầu nguồn đổ ra (nếu có) hoặc di chuyển bè tới nơi khác để đảm bảo an toàn.
Phòng bệnh
- Cá giống được kiểm tra không nhiễm một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm như VNN, Iridovirus.
- Thả nuôi với mật độ hợp lý, không nên thả nuôi với mật độ quá dày.
- Thức ăn công nghiệp phải có chất lượng cao, không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng.
- Cá phải được nuôi theo từng nhóm cá và tuổi cá, thường xuyên phân loại và phân đàn cho cá.
- Định kỳ vệ sinh, khử trùng sàng cho ăn; lồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ.
- Các dụng cụ đánh bắt không được dùng lẫn lộn giữa các khu vực, các trang trại nuôi.
- Khi phát hiện cá có bệnh, cần nhốt cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp.
- Cá chết phải được vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra biển để tránh sự lây lan và phát tán mầm bệnh.
Thu hoạch
- Sau thời gian nuôi 8 – 10 tháng cá đạt cỡ thương phẩm 0,5 – 0,7 kg tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 2 ngày ngừng không cho cá ăn, tùy theo nhu cầu thị trường mà thu tỉa hay thu toàn bộ.
- Khi thu phải kéo lưới lên, dùng sào dồn cá vào một góc, rồi dùng vợt bắt cá. Thao tác nhanh, nhưng nhẹ nhàng để tránh tổn thương cho cá.
- Thu hoạch xong phải tiến hành làm vệ sinh lại lồng, bè (lưới, phao, khung bè,…) cho sạch sẽ. Lưới được phơi khô, kiểm tra sửa chửa những chổ hỏng rách và bảo quản nơi khô ráo.